Bài học phát triển đô thị, quản lý đô thị từ Phú Mỹ Hưng
Những ai đã từng đặt chân tới Phú Mỹ Hưng (PMH) đều có chung một nhận xét: Đây là một đô thị hiện đại đạt được sự thống nhất ngay từ khâu quy hoạch, thiết kế và đồng bộ từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng, mang lại cho người dân cuộc sống hạnh phúc với tính thẩm mỹ và giá trị nhân văn cao.
Trẻ em lớn lên chịu ảnh hưởng rất lớn của môi trường sống, có điều kiện được tìm hiểu khám phá thiên nhiên là một phần không thể thiếu giúp trẻ em thông tuệ và sáng tạo hơn.
Cố chủ tịch HĐQT Cty PMH, ông Lawrence S. Ting khi quyết định đầu tư vào Việt Nam đã nói: “Khi chúng ta đến một nơi nào đó đầu tư, thì không nên bận tâm đến việc chúng ta có thể lấy đi những gì, mà phải quan tâm đến việc chúng ta có thể để lại những gì”. Chính triết lý quản trị doanh nghiệp lấy con người làm trọng và cái “tâm” làm chủ đạo được thực hiện xuyên suốt với quá trình hình thành và phát triển Khu đô thị (KĐT) này đã giúp PMH được công nhận là KĐT kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam.
Tiếp cận xu thế hiện đại
Phát triển đô thị là nhằm phục vụ cho con người và con người chính là chủ thể chi phối hoạt động này. Xác định điều đó nên ngay từ quy hoạch tổng thể ban đầu, chủ đầu tư - Cty PMH - đã tiến hành nghiên cứu cẩn trọng và khoa học về thổ nhưỡng, văn hóa, nhu cầu an cư, dự đoán xu hướng phát triển tương lai cũng như tôn trọng quy hoạch trong suốt quá trình triển khai dự án, điều ít KĐT nào trong nước tuân thủ. Nhiều chuyên gia cho rằng, PMH đạt được những thành tựu hôm nay là do xác định nội dung kinh tế xã hội của đô thị (được xem là phần ruột của sản phẩm) trước khi quy hoạch cơ sở hạ tầng (phần bao bì sản phẩm). Rõ ràng, đô thị PMH không thể thành công nếu quy hoạch đô thị mà không xác định được nơi đây sẽ tương thích cho ngành kinh tế nào phát triển, thành phần cư dân nào sẽ đến an cư.
Thật vậy, ngay từ quy hoạch tổng thể, mọi hạ tầng kỹ thuật, công trình, kiến trúc, dịch vụ, tiện nghi… đều được tính toán rất kỹ lưỡng, nhắm đến việc phục vụ cho cư dân một cách hoàn mỹ nhất. Nói cách khác, PMH là một KĐT mà ngay từ trước khi bắt tay xây dựng, những người triển khai đã đặt hai chữ “nhân văn” lên hàng đầu. Điều này có thể quan sát được ngay ở những chi tiết “nhỏ nhặt” như lối đi hay chỗ vệ sinh dành cho người khuyết tật ở các công trình công cộng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng mạnh dạn dành rất nhiều diện tích đất để xây dựng công viên, cây xanh, các khu vui chơi công cộng…
Điều đó được thể hiện rất rõ và cụ thể trong quy hoạch các phân khu. Khu A được xác định là trung tâm Đô thị PMH được phân chia thành 8 tiểu khu: Trung tâm Thương mại Tài chính quốc tế, khu The Crescent, khu Kênh Đào, khu Y tế điều dưỡng, khu Cảnh đồi, khu Văn hóa giải trí, khu Nam Viên và khu Midtown. Cảnh quan kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư tương ứng với chức năng mỗi tiểu khu.
Một đơn cử khi thực địa 1 trong 8 tiểu khu - Trung tâm Thương mại Tài chính quốc tế, người ta sẽ thấy điểm tương đồng ở quy hoạch nơi này với một số TP nổi danh toàn cầu mà các hoạt động giao thương và tài chính quốc tế, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt doanh nhân và du khách đến tìm kiếm cơ hội làm ăn và tham quan, mua sắm như New York (Mỹ), Paris (Pháp), Montreal (Canada), Milano (Ý), London (Anh), Sydney (Úc) hay Tokyo (Nhật Bản), Hồng Kông… Điểm chung ấy tại tất cả các TP này là không gian ở khu vực trung tâm luôn được dành cho các hoạt động giao thương, tài chính mang tính chất quốc tế như Manhattan của New York hay Shinjuku của Tokyo. Những nơi này được ví như trái tim của đô thị với sự góp mặt đông đủ những “anh tài” là các tập đoàn đa quốc gia và những thương hiệu hàng đầu thế giới. Và cũng chính vì tính chất đặc biệt như vậy, giá trị bất động sản ở các khu vực trung tâm đôi khi không thể quy thành tiền mà được so sánh với kim cương.
Dáng vẻ của không gian xanh kết hợp với tiện nghi trong khu căn hộ như thế này khiến người ta liên tưởng đến một khu resort nghỉ dưỡng tràn ngập hương vị thiên nhiên.
Với PMH, bóng dáng một Trung tâm Thương mại Tài chính quốc tế tương tự Manhattan hay Shinjuku đã và đang hình thành với tốc độ ngày một tăng dần với sự xuất hiện của hàng chục công trình cao ốc phức hợp thương mại, tài chính, văn phòng. Đến khu vực này, không chỉ có những thương hiệu tầm cỡ như Unilever, Manulife, Parkson, Porsche, BMW, Toyota, Vinamilk, Petroland, Vietcombank, Eximbank, Agribank, Indovinabank, SEAbank… đến thiết lập trụ sở hoạt động hoặc cơ sở kinh doanh hay sự xuất hiện của khách sạn, trung tâm triển lãm, trung tâm thương mại, cửa hiệu thời trang, nhà hàng quốc tế… kinh doanh rất nhộn nhịp phục vụ nhu cầu của cư dân, doanh nhân và du khách khi đến TP.HCM, thì nơi đây còn là một đại công trình với nhiều cao ốc đang trong giai đoạn triển khai dọc theo các phố doanh thương sầm uất của khu vực.
Nhiều chuyên gia đã không ngần ngại dự báo, trong tương lai không xa, khu Trung tâm Thương mại Tài chính quốc tế PMH không chỉ “chia lửa” cho khu trung tâm hiện hữu của TP.HCM mà thậm chí còn có lợi thế hơn do nằm trong KĐT kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam với quy hoạch hiện đại, cơ sở hạ tầng đồng bộ và gần với các tuyến giao thông kết nối dễ dàng với Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng như các cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải, Hiệp Phước.
Hay như khu The Crescent - Một khu được xem như là trung tâm dành cho cộng đồng được thiết kế, xây dựng độc đáo với nhiều đặc điểm kiến trúc ấn tượng, quy hoạch hài hòa: Có cầu đi bộ trên cao nối kết các tòa nhà tạo sự thuận tiện trong đi lại, có lối dạo bộ ven hồ dài 700m với cảnh quan thiên nhiên sông nước được tôn tạo hài hòa trong tổng thể hiện đại. Khu chức năng này cũng có mặt bằng rộng rãi để tổ chức sự kiện trong các dịp lễ hội, các hoạt động ngoài trời nhằm tạo điểm vui chơi, giải trí dành cho cộng đồng. Khu The Crescent còn kết nối với khu Kênh Đào được quy hoạch dọc đại lộ Tôn Dật Tiên rộng 40m, với công viên cảnh quan kênh đào ở chính giữa, dọc phố là khu căn hộ có kiến trúc đặc sắc từ các quốc gia và sự kết nối này tạo lối đi dạo dài hơn 1.500m giữa cảnh quan kiến trúc hài hòa với mặt nước, cây xanh. Hàng năm, ở 2 địa danh này diễn ra vài chục hoạt động văn thể mỹ của PMH cũng như các đơn vị khác thấy tiềm năng về mọi mặt đến đây phát triển các sự kiện xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp mình.
Đô thị sinh thái
Trên thực tế, PMH là đồ án KĐT đầu tiên được quy hoạch hoàn chỉnh ở Việt Nam tính từ sau năm 1986. Đô thị này không chỉ có mảng xanh phủ mát quanh năm, kiến trúc thân thiện với con người mà còn đạt hiệu quả cao về kinh tế, xã hội. Các dải đất ven mặt nước được sử dụng làm nơi công cộng và không gian mở này được dành cho tất cả mọi người thưởng ngoạn. Nhiều công viên lớn, nhỏ được tổ chức để tạo không gian cho các sinh hoạt công cộng…
Sự phân khu chức năng hợp lý và phát triển khoa học theo từng phân kỳ được nhà đầu tư thực hiện cẩn trọng đã tạo nên cho thành phố một diện mạo của đô thị tiêu chuẩn quốc tế.
Có thể thấy, phát triển trong cơ cấu bảo vệ môi trường là ưu điểm nổi bật của đô thị PMH và cũng là yếu tố đã đưa đô thị PMH đạt nhiều giải thưởng quốc tế. Dựa trên thế mạnh đặc trưng của vùng sông nước phương Nam, có dòng sông cảnh quan bao quanh, đón các hướng gió lành từ rừng phòng hộ Cần Giờ và biển Đông…, nên ngay từ đầu quy hoạch tổng thể PMH đã nhấn mạnh khai thác tối đa thế mạnh thiên nhiên trên cơ sở tôn tạo và phát huy lợi thế địa hình sẵn có, tạo một đô thị hiện đại chan hòa với thiên nhiên. Những mảnh xanh hiện hữu được tái tạo thành công viên, khu bảo tồn, sân golf, khu giải trí xen kẽ giữa các khu dân cư. Dòng sông cảnh quan được quy hoạch từ hệ thống kênh rạch hiện hữu để tạo các thủy lộ xuyên suốt và liên kết cảnh quan thiên nhiên đặc sắc ngoạn mục. Đến nay, PMH là nơi có tỷ lệ phủ xanh cao nhất tại TP.HCM, 8,9m2 cây xanh/người.
Khác biệt cũng phải biết cách
KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, những người đặt nền móng cho KĐT Nam TP nói chung và PMH nói riêng đã xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ và hiện đại, tạo khả năng phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Tôn tạo và phát huy thế mạnh thiên nhiên sẵn có cùng với nỗ lực tạo nhiều mảng xanh đô thị, Phú Mỹ Hưng được nhiều người gọi là đô thị sinh thái, đô thị vườn.
Tôn tạo và phát huy thế mạnh thiên nhiên sẵn có cùng với nỗ lực tạo nhiều mảng xanh đô thị, Phú Mỹ Hưng được nhiều người gọi là đô thị sinh thái, đô thị vườn.
Phân tích sâu hơn về sự thành công của KĐT PMH, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM chỉ ra một trong những yếu tố để đô thị PMH đi từ bản vẽ ra thực tế mà không bị phá vỡ quy hoạch chính là sự tham gia ngay từ đầu của nhà đầu tư trong công tác quy hoạch. Ông đánh giá, Tập đoàn CT&D, đơn vị đầu tư vào PMH, là một nhà đầu tư có tâm và có tầm. Còn PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Trưởng khoa Đô thị học, Đại học Quốc gia TP.HCM lại nhận định, PMH góp phần định hình một phong cách sống mới, thay đổi quan niệm của mọi người về nơi cư trú, từ “một chỗ chui ra chui vào” đến “một không gian sống”. “Đó là một sự thay đổi ghê gớm, không chỉ trong người dân mà còn tác động đến tư duy của các cấp lãnh đạo. Mặt khác, PMH đã góp phần tạo nên lối văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự từ chính phong cách sống của KĐT này”. Ông nói: “PMH là nơi đáng để sống, là mô hình đáng để nhân rộng khắp cả nước”.
Trong cuộc sống hối hả ấy, việc trở về với tự nhiên và cảnh quan thiên nhiên rộng lớn là một trải nghiệm hết sức quý giá đối với người dân thành phố. Những hình ảnh như thế này không hiếm gặp tại Phú Mỹ Hưng.
Với sự thành công của dự án, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam công nhận: "20 năm hình thành và phát triển, KĐT PMH không chỉ làm thay đổi một vùng đất hoang vu thành một KĐT hiện đại mà còn làm thay đổi cả ý thức, quan niệm sống của cư dân về lối sống văn minh, kỷ cương, trật tự và tôn trọng pháp luật. Chưa hết, PMH còn góp phần rất lớn vào việc hoàn thiện khung pháp lý của Nhà nước liên quan đến Luật Đất đai, đầu tư, nhà ở". Ngắn gọn hơn, GS Shigehisa Matsumura - Viện Nghiên cứu Nikken Sekkei (Nhật Bản) khẳng định: “KĐT PMH là bài học về hình mẫu nhà ở, phát triển đô thị và quản lý đô thị”.
Sau 20 năm hình thành và phát triển, bản đồ quy hoạch đô thị PMH đang dần được lấp đầy trên diện tích 433ha. Thành công của PMH không chỉ đã khai phá hiệu quả một vùng đất đầm lầy bị lãng quên thành một đô thị văn minh, có hệ thống dịch vụ hạ tầng đồng bộ và kỹ năng tổ chức quản lý đô thị hiện đại mà còn đạt hiệu quả đầu tư, hiệu quả xã hội, hiệu quả kiến trúc - quy hoạch đô thị cũng như tiếp cận được xu thế hiện đại trên thế giới về mọi mặt. Nói một cách rộng hơn, trong chiến lược mở rộng TP.HCM về hướng Nam, vươn ra biển Đông theo xu hướng các đô thị lớn trên thế giới, việc xây dựng đại lộ Nguyễn Văn Linh và phát triển đô thị PMH là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch phát triển toàn diện khu tam giác kinh tế trọng điểm miền Nam gồm TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu để hình thành một trung tâm đô thị có đầy đủ chức năng về tài chính, thương mại, dịch vụ, cư trú, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật cao và du lịch ở Việt Nam.
Theo quy hoạch của S.O.M thì Nam Sài Gòn sẽ phát triển dựa trên 3 dãy:
Dãy hành lang cây xanh văn hóa và nghỉ ngơi: Nằm ở phía Bắc, tiếp giáp với TP hiện hữu. Đây là mảng xanh của các công viên, trường học, là lá phổi thanh lọc chất lượng không khí cho cả khu vực phía Nam.
Dãy thứ 2 là dòng sông cảnh quan: Các nhà quy hoạch đã tận dụng dòng sông uốn lượn và hệ thống kênh ngòi chằng chịt ở phía Nam để xây dựng một ĐTM hiện đại, chan hòa với thiên nhiên. Đồng thời, dòng sông cảnh quan còn có khả năng ngăn chặn sự đô thị hóa tràn lan, tạo đường vận chuyển thủy và là biên giới chống lũ lụt.
Dãy thứ 3 là khu vực phát triển đô thị nằm dọc theo tuyến đường huyết mạch Nguyễn Văn Linh.
Lần đầu tiên, một đô thị tại Việt Nam được quy hoạch với những ưu điểm về mật độ xây dựng, hệ thống giao thông bàn cờ tránh ùn tắc giao thông và đảm bảo mọi sinh hoạt trong 10 phút đi bộ; Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đầy đủ và hiện đại; công viên, cây xanh, mặt nước tạo môi trường công cộng được phân bổ đều và kết nối toàn khu, tôn tạo môi trường thiên nhiên hiện hữu thành cảnh quan đô thị…
Sau 20 năm xây dựng, hiện ở đô thị PMH đã có 84 dự án về xây dựng nhà ở với gần 12 nghìn đơn vị nhà ở các loại, tổng cộng với diện tích gần 2,5 triệu m2 ; gần 20 cơ sở y tế, gần 30 cơ sở giáo dục đã hoàn thiện. Ngoài ra, PMH còn là “nam châm” thu hút nhiều nhà đầu tư có tiềm lực về vốn trên nhiều lĩnh vực nhộn nhịp đầu tư vào đây; 16 ngân hàng tầm cỡ, 46 dự án thương mại, dịch vụ cùng hàng trăm doanh nghiệp thứ cấp đã đóng trụ sở tại đây. Chính điều đó đã làm cho PMH có sức lôi cuốn khoảng 25 nghìn người dân (trong đó người nước ngoài khoảng 12 nghìn người) từ khắp nơi chọn làm nơi an cư, lạc nghiệp lâu dài.
Nguyên Bình - Báo Xây Dựng
- 02/01/2015 - Bất động sản 2015 sẽ khởi sắc
- 23/06/2014 - Ngân hàng Hongleong cho vay ưu đãi mua bất động sản Phú Mỹ Hưng
- 01/08/2013 - Lãi suất bình quân có thể giảm tới 3-4%
- 26/07/2013 - Công ty xử lý nợ xấu đi vào hoạt động
- 24/07/2013 - Giá vàng thế giới tiếp tục tăng cao
- 27/05/2013 - Nút giao thông An Sương sẽ có thêm cầu vượt và hầm chui
- 27/05/2013 - Khu Nam TP HCM: Nhiều dự án “treo” không được xử lý